Các dấu hiệu này thường biểu hiện khác nhau đối với mỗi bệnh nhân, tùy thuộc vào vị trí, loại u, kích thước và tốc độ phát triển của khối u.
U não là sự phát triển bất thường và không kiểm soát của các tế bào trong não. Bệnh này được chia thành hai nhóm chính: u nguyên phát tại não (bao gồm u màng não, u tế bào thần kinh đệm, u mạch máu, u xương...) và các khối u di căn từ các bộ phận khác (như ung thư phổi, ung thư vú) lan đến não.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện K, triệu chứng của u não có thể khác nhau tùy theo độ tuổi, vị trí khối u và đặc điểm mô học của bệnh. Các dấu hiệu này thường biểu hiện khác nhau đối với mỗi bệnh nhân, tùy thuộc vào vị trí, loại u, kích thước và tốc độ phát triển của khối u.
8 triệu chứng thường gặp của u não
Đau đầu

Cơn đau thường nặng vào sáng sớm hoặc nửa đêm, đau dai dẳng và càng ngày càng tăng cả về cường độ và tần suất. Trẻ nhỏ có thể biểu hiện bằng việc bỏ ăn, quấy khóc, ngủ ít và không thoải mái.
Nôn và buồn nôn
Bệnh nhân có khối u não thường có biểu hiện nôn, buồn nôn đi kèm với triệu chứng đau đầu, thường nôn vào buổi sáng, sau mỗi lần nôn bệnh nhân thường mệt hơn, nhưng đỡ đau đầu. Nếu để bệnh nhân nôn nhiều có thể dẫn đến suy kiệt, mất nước, rối loạn điện giải.
Thời gian đầu, dấu hiệu chưa rõ ràng thì một số ít bệnh nhân được chẩn đoán là triệu chứng nôn đơn thuần có thể nghi ngờ do vấn đề bệnh lý tiêu hóa, đến khi thực hiện các xét nghiệm, chỉ định cho kết quả rõ ràng hơn mới phát hiện ra là u não.
Giảm thị lực

- Phù gai thị: Đây là dấu hiệu nặng thường gặp trong tăng áp lực nội sọ. Khi nghi ngờ có tăng áp lực nội sọ nên soi đáy mắt để xác định vì qua giai đoạn phù gai thị sẽ chuyển sang teo gai thị có thể dẫn đến mù.
- Bán manh: Gặp trong trường hợp u chèn vào một phần của cửa dày thị giác hay giải thị giác.
- Liệt vận nhãn: Gây nhìn đôi, với bệnh nhân liệt dây thần kinh VI thì thường có biểu hiện lác trong, liệt dây thần kinh III biểu hiện lác ngoài. Hội chứng parinaud (bệnh nhân không hội tụ được mắt) thường gặp khi u chèn vào cuống não hoặc u vùng tuyến tùng.
- Rung giật nhãn cầu: Thường gặp ở bệnh nhân u hố sau.
Kích thước vòng đầu tăng bất thường ở trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thường không có biểu hiện đau đầu hay nôn, thay vào đó là kích thước vòng đầu tăng nhanh bất thường. Các khớp sọ giãn rộng, thóp phồng, da đầu căng và giãn tĩnh mạch có thể xuất hiện.
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể có biểu hiện tăng động và rối loạn hành vi nên cha mẹ cần hết sức lưu ý đến biểu hiện của trẻ. Ngoài ra, trẻ có biểu hiện hội chứng thần kinh da gồm xơ hóa củ, đa u xơ thần kinh (NF1) thường tăng nguy cơ có khối u ở não.
Mất kiểm soát hành vi
Người bệnh có thể đi lại loạng choạng, mất thăng bằng, và dễ bị ngã. Ngoài ra, còn có thể xuất hiện liệt các dây thần kinh sọ não.
Căng thẳng kéo dài, trầm cảm
Người bệnh dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, dễ kích động và kém tập trung. Họ cũng có thể cảm thấy buồn ngủ liên tục hoặc ngủ quá nhiều.
Yếu liệt và tê bì
Cảm giác tê bì, yếu liệt ở bàn tay, bàn chân, thường xảy ra ở một bên cơ thể. Một số bệnh nhân còn gặp rối loạn nói, nhìn hoặc ý thức.
Động kinh
Các khối u có thể đè đẩy vào các tế bào thần kinh não, tác động và làm biến đổi các tín hiệu điện từ trong não sẽ gây ra các cơn động kinh.
Cơn động kinh đôi khi là dấu hiệu đầu tiên của một khối u não, nó cũng có thể gặp ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh. Khoảng 50% người bệnh bị u não trải qua ít nhất một lần cơn động kinh.
Tuy nhiên động kinh không phải lúc nào cũng vì sự xuất hiện của một khối u não. Các nguyên nhân gây co giật khác bao gồm: dị dạng mạch máu não, sau đột quỵ não, sau chấn thương não, viêm nhiễm ký sinh trùng trong não…
Phòng ngừa và điều trị u não
Theo các bác sĩ, hiện nay, các phương pháp điều trị u não hiện đại như phẫu thuật vi phẫu, nội soi, điều trị đa mô thức, điều trị đích và gamma knife đã được áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả cao.
Mặc dù nguyên nhân chính gây ra u não vẫn chưa được xác định rõ ràng, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng cách:
- Từ bỏ thói quen xấu: Hạn chế rượu bia, thuốc lá, sinh hoạt không điều độ.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng cường rau củ quả, vitamin C và hạn chế thực phẩm giàu nitrit như đồ hộp, thức ăn nhanh.
- Tăng cường vận động: Tập thể dục đều đặn để nâng cao sức khỏe tổng quát.
- Tránh xa nguồn phóng xạ: Hạn chế tiếp xúc với phóng xạ hoặc vùng bị nhiễm xạ.
- Khám sàng lọc: Nếu gia đình có tiền sử mang gen ung thư di truyền, cần chủ động khám và kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giúp người bệnh có cơ hội phục hồi tốt hơn.