Ngay từ khi hoàn thành, cây cầu đã thiết lập ba kỷ lục Guinness: sàn cầu cạn có độ cao lớn nhất, tháp trụ cầu cao nhất và cột cầu cao nhất thế giới.
Khi nhắc đến các công trình hạ tầng nổi bật của Pháp, cầu cạn Millau thường được ví như biểu tượng vĩ đại tiếp theo sau tháp Eiffel. Nằm giữa thung lũng Tarn đầy thơ mộng, cầu Millau trải dài như một dải lụa trắng, nối liền hai cao nguyên Occitanie và Larzac. Được gọi là "kỳ quan mới của Pháp", công trình này không chỉ thu hút du khách nhờ vẻ đẹp tráng lệ mà còn bởi những kỷ lục ấn tượng.

Thiết kế bởi kiến trúc sư tài ba Norman Foster và kỹ sư cầu Michel Virlogeux, cầu Millau không chỉ là công trình giao thông mà còn là minh chứng cho khả năng sáng tạo và sự dũng cảm của con người trước thiên nhiên. Khánh thành vào năm 2004, cây cầu dài 2.460m với 7 nhịp được nâng đỡ bởi 8 trụ tháp cao, có chiều cao trung bình so với mặt đất lên đến 270m. Đỉnh cột dây văng cao nhất đạt 343m, khiến cầu Millau trở thành cấu trúc cao nhất nước Pháp, vượt qua cả tháp Eiffel. Khi đi qua cây cầu này, du khách có thể cảm nhận như đang di chuyển giữa những tầng mây, tạo ra một trải nghiệm độc đáo.
Ngay từ khi ra mắt, cầu cạn Millau đã tạo nên cơn sốt toàn cầu khi phá vỡ 3 kỷ lục Guinness: sàn cầu cạn cao nhất thế giới, cột tháp trụ cao nhất thế giới, và cột cầu cao nhất thế giới.

Quá trình xây dựng cây cầu này đòi hỏi khối lượng vật liệu khổng lồ, bao gồm 127.000m³ bê tông, 19.000 tấn sắt và hơn 5.000 tấn thép. Dù quy mô dự án khổng lồ, chi phí xây dựng chỉ đạt mức 400 triệu euro (tương đương 490 triệu USD), được xem là khá hợp lý. Các nhà thiết kế còn khẳng định, tuổi thọ của cầu sẽ kéo dài ít nhất 120 năm.
Sau khi đi vào hoạt động, cầu Millau giúp người dân tiết kiệm đến 1 giờ lái xe trong điều kiện giao thông thuận lợi và thậm chí lên tới 5 giờ so với tình trạng tắc nghẽn trước đây.

Quá trình xây dựng cầu gặp vô vàn khó khăn, khi các kỹ sư và công nhân phải đối mặt với thách thức như sạt lở đất, gió mạnh trên 130 km/h và những trận bão lớn. Kỹ sư Michel Virlogeux, người thiết kế cây cầu, từng chia sẻ: "Khi tôi trình bày thiết kế đầu tiên của cây cầu cho nhà chức trách, họ nghĩ tôi đã mất trí".

Năm 2009, sau 5 năm giữ danh hiệu "cầu cao nhất thế giới", cầu Millau bị soán ngôi bởi cầu Siduhe ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, với độ cao 496m. Đến năm 2016, cầu Siduhe cũng mất kỷ lục vào tay cầu Bắc Bàn Giang, một cây cầu khác tại Trung Quốc, với độ cao lên tới 565m.

Dù không còn giữ danh hiệu "cầu cao nhất", cầu Millau vẫn giữ vững giá trị và vị trí độc đáo trong lòng người dân Pháp và du khách. Cây cầu vẫn là biểu tượng của sự sáng tạo, kỹ thuật và tầm nhìn xa, cũng như một điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn khám phá các kỳ quan kiến trúc của thế giới.
Tổng hợp